Bệnh da khi mang thai


Chớ xem thường và không điều trị bệnh về da, đặc biệt những bệnh da có sẵn trước khi mang thai. Bệnh da có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh mạng của mẹ và con.

Bệnh da khi mang thai
Mang thai được hai tháng, chị Nguyễn Thị Hương (27tuổi, TP.HCM) đột nhiên bị nổi mụn trứng cá khắp người, thâm đen từ mặt cho tới lưng. Đồng thời chị còn bị ngứa ngoài da suốt thời gian mang thai. Điều đáng lo ngại trước đó, chị từng bị mắc bệnh chàm, nhưng điều trị nửa chừng. Các bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh dị ứng do thai nghén. May mắn, em bé chào đời không bị  dị tật.

Hơn 50% thai phụ mang thai đều có những vấn đề về da. Tuy nhiên, do quan niệm bệnh da không ảnh hưởng đến sức khỏe mà chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên nhiều bà mẹ đã xem thường và không điều trị bệnh da, đặc biệt những bệnh da có sẵn trước khi mang thai.
ThS. BS. Lê Thái Vân Thanh - Giảng viên bộ môn Da liễu ĐH Y Dược TP.HCM cảnh báo, da và thai kỳ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bệnh da có ảnh hưởng đáng kể đến thai phụ. Bệnh da trong thai kỳ có thể là các bệnh da chuyên biệt do thai hoặc bệnh da do thay đổi sinh lý.

Mang thai, bệnh về da tiến triển khó lường
Theo một nghiên cứu của ThS. BS. Lê Thái Vân Thanh, bệnh da gặp rất nhiều ở thai phụ, chiếm tới hơn 50%. Trong đó có đến 11.02% thai phụ mắc cùng lúc 2 hoặc 3 bệnh da trong thai kỳ.
Bệnh da chuyên biệt do thai thường nặng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của mẹ và con. Bao gồm sẩn ngứa thai kỳ, viêm nang lông ngứa của thai kỳ, vàng da ứ mật thai kỳ... May thay, các bệnh có tiên lượng xấu cho cả mẹ lẫn con như Lupus đỏ, Pemphigoid thai kỳ, chốc dạng Herpes đều rất ít gặp.
Đa số bệnh da trong thai kỳ là các bệnh da có thể gặp ở bất cứ phụ nữ bình thường. Bệnh nhiễm chiếm tỉ lệ cao nhất (22.56), nổi bật là mụn trứng cá (15.01%), kế đến là nhóm bệnh hắc tố (10.44%) và bệnh da dị ứng (6.23%).
"Các bệnh này có thể xuất hiện trước khi mang thai hoặc xuất hiện trong khi mang thai, cũng đều có ảnh hưởng đáng kể đến mẹ và con và thường diễn tiến phức tạp trong thai kỳ, có thể nặng lên, có thể được cải thiện, có thể không thay đổi hoặc có thể không tiên đoán được diễn tiến khi có thai. Do quan niệm bệnh da không ảnh hưởng đến sức khỏe mà chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên nhiều bà mẹ đã xem thường và không điều trị bệnh da, đặc biệt những bệnh da có sẵn trước khi mang thai." - Bs. Vân Thanh nói.
Theo các chuyên gia da liễu, bệnh da và thai kỳ có mối liên quan mật thiết với nhau. Mối liên quan này bị tác động bởi nhiều yếu tố như văn hóa, xã hội, tiền thai, sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ...

Điều trị bệnh da trước khi mang thai
Bệnh da do nhiễm bị ảnh hưởng tương đối nhiều bởi trình độ nhận thức và điều kiện kinh tế, cụ thể như: phụ nữ càng trẻ tuổi, mang thai con so trong tam cá nguyệt đầu càng dễ mắc mụn trứng cá. Trong khi đó, thai phụ lao động chân tay, có trình độ văn hóa thấp, sinh nhiều lần dễ bị các bệnh lang ben, nấm móng, ghẻ ngứa.
Thai phụ càng lớn tuổi, sinh con rạ càng dễ bệnh sạm da. Còn sẩn ngứa thai kỳ gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 30-34, có tỉ lệ tăng dần theo tuổi, trình độ văn hóa và thời gian mang thai. Bệnh chàm thể tạng gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 20-24.
Tuy không gây ảnh hưởng nặng nề đến thai kỳ nhưng những bệnh da trong thai kỳ vẫn có ảnh hưởng đến thẩm mỹ, sức khỏe của mẹ và con nên theo lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ phải chú trọng đến chăm sóc sức khoẻ ban đầu, cải thiện môi trường sống, giữ gìn vệ sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh da do nhiễm.
Phụ nữ càng phải ý thức và tự chăm sóc da từ  chế độ ăn uống thích hợp cho sức khỏe; cho đến thận trọng trong việc dùng thuốc và mỹ phẩm; giữ vệ sinh và bảo vệ da khỏi các tác nhân gây bệnh như bụi bặm, vi trùng, ánh nắng... Đặc biệt, ánh nắng mặt trời là yếu tố thúc đẩy gây xạm da rõ rệt nhất, nhất là trên phụ nữ Việt Nam do nước ta thuộc vùng nhiệt đới.
Điều quan trọng hơn nữa, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần phải đi khám chuyên khoa và chữa triệt để những bệnh da nếu có trước khi có thai. Trong thai kỳ, nếu xuất hiện những biểu hiện bất thường trên da thì nên báo cho bác sĩ đang theo dõi thai biết.


Share on Google Plus

About Anh

Tổng hợp các kiến thức về mang thai, làm mẹ và tất tần tật những kinh nghiệm trước và sau khi mang thai cho chị em phụ nữ.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét