Tam cá nguyệt thứ 2 – Mẹ bầu cần biết?


Tam cá nguyệt thứ 2 là ba tháng giữa thai kỳ thường được xem như giai đoạn “trăng mật” của hành trình mang thai vì hầu hết các mẹ bầu đã có thể nói lời tạm biệt với ốm nghén cùng cảm giác mệt mỏi thường trực do sự thay đổi hormone mang lại.

Mẹ bầu cần biết??
Mẹ sẽ thấy khỏe khoắn hơn, có nhiều ham muốn tình dục hơn cùng nhiều biến chuyển về ngoại hình mang tính tích cực và dĩ nhiên không thể không nhắc đến sự thay đổi rõ rệt về vóc dáng. Đừng lo lắng nếu vẫn chưa thấy bụng to hẳn ra vì điều này không thể hiện được em bé có phát triển khỏe mạnh hay không đâu mẹ nhé. Trong trường hợp nếu vẫn còn thường xuyên thấy buồn nôn, mẹ nên hỏi bác sĩ xem có nên tăng lượng bổ sung vitamin B6 hay không nhé.
Cũng trong khoảng thời gian này, mẹ sẽ bắt đầu phải ứng phó với những triệu chứng khó chịu khác của thai kỳ như: da khô, đau bụng, đầy hơi, khó thở, ợ nóng, rạn da, phù nề ở bàn tay, bàn chân, mắt cá nhân và mặt. Tình trạng chuột rút ở bàn chân và bắp chân cũng khá phổ biến với nhiều chị em trong tam cá nguyệt thứ hai, điều này có thể bắt nguồn từ sự mệt mỏi hoặc cũng có thể do tử cung đang gia tăng kích thước nên đã tạo ra áp lực lớn hơn lên các mạch ở chân. Lòng bàn tay và lòng bàn chân của bạn có thể sẽ bị ngứa ngáy và ửng đỏ vì sự gia tăng của hormone oestrogen trong cơ thể.
Một trong những tình trạng phổ biến ở tam cá nguyệt thứ hai là “giảm trí nhớ thai kỳ” nên lời khuyên cho mẹ là nhớ sắp xếp đồ đạc một cách khoa học theo một nguyên tắc nhất định, đặc biệt là những món đồ quen thuộc hoặc quan trọng. Đừng vì một hôm nào đó thấy uể oải mà tiện tay bỏ chìa khóa cửa trên nóc tủ lạnh thay vì hộp đựng chìa khóa như mọi khi, mẹ có thể mất cả buổi để tìm kiếm đấy nhé.
Mặc dù các hormone vẫn sẽ tiếp tục tăng cao nhưng vì cơ thể đã trải qua 3 tháng điều chỉnh để thích nghi nên bạn sẽ không còn cảm thấy quá tệ như ở tam cá nguyệt thứ nhất. Đồng thời, các mẹ bầu khi bước sang giai đoạn giữa của thai kỳ cũng có tâm lý ổn định hơn và không còn bị ám ảnh nhiều về nguy cơ sảy thai như ở 3 tháng đầu thai kỳ nữa.
 
Mẹ bầu cần làm?
Giai đoạn này rất quan trọng, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết để theo dõi sức khỏe mẹ và bé, cũng như tầm soát được tiền sản giật và sản giật trong thai kỳ, cũng như phát hiện sớm nguy cơ sản giật trong khi sinh. Vì thế, các mẹ bầu cần phải theo quy định khám thai ít nhất 1 tháng/ 1 lần để bác sĩ thực hiện các quy trình kiểm tra thai kỳ đúng tiến độ. Các việc đó gồm:
- Xét nghiệm Triple test từ tuần thai 14 – tuần 20 để tầm soát thai dị tật. Nếu kết quả nguy cơ cao, bạn được tư vấn để chọc dò nước ối, qua đó giúp chẩn đoán xác định thai dị tật.
- Xét nghiệm nước tiểu tìm bệnh lý nhiễm trùng tiểu.
- Siêu âm 4 chiều từ tuần thai 20-22 để tìm dị tật thai nhi.
- Chủng ngừa uốn ván (VAT) lần 1(sau khi nghe thai máy) từ tuần thai thứ 16 trở đi và lần 2 sau lần đầu ít nhất 4 tuần. Nếu lần sanh trước cách lần này dưới 5 năm thì chỉ tiêm nhắc lại 1 mũi. Nếu khoảng cách trên 5 năm thì phải chủng như có thai lần đầu.
- Nếu có nhiều khí hư (huyết trắng) thì cần làm xét nghiệm dịch tiết âm đạo để điều trị viêm âm đạo, phòng ngừa được sanh non.


Share on Google Plus

About Anh

Tổng hợp các kiến thức về mang thai, làm mẹ và tất tần tật những kinh nghiệm trước và sau khi mang thai cho chị em phụ nữ.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét